Tìm kiếm sản phẩm: Tìm nâng cao
Phí vận chuyển Tỷ giá
 
Hãng vận chuyển
Nặng khoảng
gram
Khoảng cách
Từ
Đến
Nhập vào đầy đủ các thông tin yêu cầu và bấm vào "Tính phí" để xem giá thành vận chuyển
Giá:
0

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 12.696.606
Số người đang xem:  22

Quản trị tài sản trí tuệ khi khởi nghiệp

Đăng ngày: 26/02/2017 16:16
Quản trị tài sản trí tuệ khi khởi nghiệp
Làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ ở nước ta hiện nay đã và đang tạo ra rất nhiều loại tài sản vô hình, trong đó có tài sản trí tuệ (TSTT). Đặc trưng của TSTT là tính vô hình, tính lãnh thổ, tính sinh lợi và tính quốc tế. Những đặc trưng này đặt ra nhiều thách thức về quản trị cho lãnh đạo doanh nghiệp (DN). Vì vậy, DN cần có một chiến lược tổng thể và dài hạn để đạt được mục đích gia tăng giá trị TSTT.

 

1. Không ngừng gia tăng nguồn vốn trí tuệ trong DN

Trong bất kỳ một tổ chức nào cũng luôn tồn tại nguồn vốn nhân lực. Mỗi nhân sự trong tổ chức đều có tri thức, trí tuệ, kỹ năng, óc sáng tạo. Khi tham gia vào quy trình tác nghiệp, vận hành của tổ chức, họ sẽ tạo ra các sản phẩm tương ứng như chương trình, tài liệu, dữ liệu, bản vẽ, quy trình..., gọi là các tri thức được hữu hình hóa.

Các sản phẩm này chính là các đơn vị sở hữu trí tuệ đầu tiên để tạo ra các tài sản sở hữu tương ứng với các đối tượng sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu, quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, bí mật kinh doanh... Lãnh đạo DN cần có cơ chế khen thưởng, khích lệ nhân sự để họ cống hiến nhiều hơn tri thức sáng tạo của mình vào nguồn vốn trí tuệ to lớn trong DN.

2. Nhận diện các TSTT để lựa chọn bảo hộ

 Từ nguồn vốn trí tuệ trong DN đó, lãnh đạo cần trải qua bước nhận diện xem đối tượng nào có vai trò quan trọng và có giá trị đối với DN ở các khía cạnh kỹ thuật, công nghiệp, thẩm mỹ và đặc biệt là khía cạnh thương mại hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu, tiếp thị và đầu tư.

Từ đánh giá đó, tiến hành đăng ký bảo hộ các TSTT theo các chuẩn mực bảo hộ của đối tượng tương ứng. Ví dụ, một chương trình máy tính có thể đăng ký bản quyền tác giả, một thiết kế logo có thể bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu... Khâu nhận diện và đánh giá các TSTT là vô cùng quan trọng để quyết định tiềm lực về TSTT của mỗi DN.

3. Bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ

 Sau khi nhận diện được các TSTT của DN, lãnh đạo cần có chủ trương bảo hộ các đối tượng này thông qua các cơ chế bảo hộ của pháp luật sở hữu trí tuệ để xác lập quyền đối với các đối tượng đó. Nếu không áp dụng công cụ bảo hộ nhà nước cung cấp, các TSTT mà DN vất vả tạo ra sẽ không thể tạo thành "quyền tài sản" để khai thác thương mại.

Một lưu ý cần quan tâm trong vấn đề bảo hộ là lãnh đạo DN cần xem xét đối tượng nào nên đăng ký, đối tượng nào giữ làm bí mật kinh doanh. Chẳng hạn như các công thức ẩm thực trong lĩnh vực F&B nên được chủ sở hữu giữ làm bí mật, tránh để lộ ra bên ngoài, kể cả đối với đồng sự khi khởi nghiệp, bởi thực tế đã có trường hợp các đồng sự mang các bí quyết trong công thức pha chế đi khởi nghiệp riêng, gây thiệt hại không nhỏ cho chủ sở hữu.

4. Luôn quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ trong mọi giao dịch

Cùng với việc bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ, doanh nhân luôn dành sự quan tâm cho vấn đề này trong mọi giao kết làm ăn với đối tác. Chẳng hạn như luôn xác định rõ quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình sản xuất, kinh doanh giữa DN mình với bên thứ ba sẽ thuộc về ai.

Ví dụ, trong giao dịch nghiên cứu thị trường, thuê thiết kế, nhận chuyển giao công nghệ hay hợp đồng gia công..., doanh nhân cần phải thỏa thuận rõ ràng bằng các điều khoản với bên thứ ba trong hợp đồng về đảm bảo các quyền sở hữu trí tuệ cũng như trách nhiệm sẽ thuộc về ai trong trường hợp xảy ra thiệt hại liên quan đến vấn đề đó.

Hoạt động thương mại luôn gắn liền với việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ, và trong bản thân hàng hóa, dịch vụ đó luôn chứa đựng các tài sản sở hữu trí tuệ kèm theo. Do vậy, doanh nhân không nên coi nhẹ vấn đề sở hữu trí tuệ trong các giao kết của mình.

5. Tự bảo vệ TSTT có được

Trong nền kinh tế sẻ chia tri thức, TSTT là một phần không thể tách rời của hoạt động giao thương. Đặc biệt là trong lĩnh vực khởi nghiệp đột phá sáng tạo, ý tưởng và các TSTT có tính quyết định đến sự phát triển của tổ chức. Do vậy, lãnh đạo DN hơn ai hết phải tự bảo vệ các TSTT mà mình là chủ sở hữu, song song với việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của đơn vị khác.

TSTT tuy vô hình nhưng pháp luật quy định giá trị quyền tài sản giống như các tài sản hữu hình là nhà đất, xe cộ, vật dụng... Vì vậy, sự quan tâm bảo vệ của chủ sở hữu dành cho loại tài sản nêu trên nên tương xứng và ngang bằng với các tài sản hữu hình, để tạo hành lang bảo vệ tốt cho TSTT. Khi được quan tâm đầu tư nghiêm túc, TSTT sẽ tạo ra giá trị to lớn cho chủ sở hữu.

Kinh nghiệm khởi nghiệp quốc tế và cả ở Việt Nam cho thấy, nhiều tổ chức đã tiến lên vị trí dẫn đầu chỉ bằng việc đầu tư phát triển các TSTT và ứng dụng nó trong kinh doanh. Vì vậy, đã đến lúc doanh nhân và nhà lãnh đạo DN cần dành thời gian quản trị tài sản sở hữu trí tuệ của DN mình một cách bài bản ngay từ những ngày đầu lập nghiệp.


LS. ĐẬU THỊ QUYÊN - LP GROUP

 

| Chia sẻ |
THẢO LUẬN  
Chưa có thảo luận nào
Ý KIẾN CỦA BẠN  
  Hãy đăng nhập để thảo luận

Tin cùng loại cũ hơn