Tìm kiếm sản phẩm: Tìm nâng cao
Phí vận chuyển Tỷ giá
 
Hãng vận chuyển
Nặng khoảng
gram
Khoảng cách
Từ
Đến
Nhập vào đầy đủ các thông tin yêu cầu và bấm vào "Tính phí" để xem giá thành vận chuyển
Giá:
0

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 12.714.341
Số người đang xem:  53

Thị trường bất động sản 2015: Rộng cửa cho M&A

Đăng ngày: 26/03/2015 08:03
Thị trường bất động sản 2015: Rộng cửa cho M&A
Năm 2015 là cơ hội để hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) "nổi sóng".

Chuyển động từ khối ngoại

Ngày 19/3, hơn một năm sau ngày UBND TP.HCM phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư (NĐT), chỉ định HongKong Land và Sumitomo & Development làm NĐT thực hiện dự án khu đất vàng 164 Đồng Khởi (Q.1), liên danh này đã xin rút khỏi dự án.

Đây là khu đất từng thu hút sự tham gia của hơn 70 NĐT trong và ngoài nước tham gia đấu thầu năm 2009 (Được biết, hiện, đã có một doanh nghiệp (DN) lớn trong nước theo đuổi khu đất vàng này). Nhưng, "chia tay không phải là dấu chấm hết", bởi HongKong Land chẳng xa lạ với thị trường Việt Nam.

Là thành viên của Tập đoàn Jardine Matheson, hiện đang nắm cổ phần tại nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, như đầu tư vào Pizza Hut, Ô tô Trường Hải, REE..., HongKong Land (HKL) đã điều tra khá kỹ thị trường. Từ những năm 1990, NĐT này đã góp vốn xây dựng hai cao ốc ở Hà Nội.

Cụ thể, HKL chiếm 71% cổ phần tại Central Building, Hai Bà Trưng, Q. Hoàn Kiếm, hợp tác với Kinh Đô Ltd.Co (đã đi vào hoạt động năm 1995) và nắm giữ 73,9% cổ phần tại tòa nhà 63 Lý Thái Tổ, cùng với hai đối tác khác trong liên doanh. Cả hai tòa nhà này đều đạt tỷ lệ lắp đầy trên 90% tính đến thời điểm hiện nay.

Chia tay "đất vàng" tại TP.HCM, HKL vừa nhận giấy phép đầu tư liên doanh với SơnKim Land để phát triển dự án căn hộ tại P.Thảo Điền, Q.2. Tuy nhiên, chi tiết của thương vụ này chưa được hai bên tiết lộ. Được biết, tại khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam, HKL còn có dự án BĐS ở Malaysia, Indonesia, Philippines và Campuchia.

Trước đó, Hamon Developments (tập đoàn đầu tư BĐS, tài chính và quản lý quỹ của Anh, có trụ sở tại Hồng Kông), NĐT đến Việt Nam từ năm 1995 cũng đã ký kết hợp tác chiến lược với SơnKim Land để phát triển dự án Gateway Thảo Điền (Q.2).

Nhìn lại hoạt động M&A trong lĩnh vực BĐS hai năm qua, có thể thấy, các NĐT châu Á, nhất là Nhật Bản có mối quan tâm đặc biệt đến các dự án và DN BĐS trong nước.

Nếu năm 2014, Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) công bố thương vụ Creed Group đầu tư vào Công ty với vai trò cổ đông lớn lẫn đối tác phát triển các dự án căn hộ, thì những ngày kết thúc quý I/2015, Công ty CP Đầu tư Nam Long (NLG) cũng chính thức công bố sự tham gia của hai NĐT Nhật Bản khác vào dự án căn hộ Flora Anh Đào (Q.9, TP.HCM).

Theo đó, Hankyu Realty Co., Ltd cùng Công ty Nishi-Nippon Railroad sẽ là hai đối tác lớn, cùng Nam Long phát triển dòng sản phẩm căn hộ mới, dành cho khách hàng có thu nhập trung bình khá.

Được biết, Hankyu Realty Co., Ltd là công ty con của Tập đoàn Hankyu Hanshin Holdings, Inc., là tập đoàn với hơn 100 năm kinh nghiệm ở Nhật Bản, đầu tư đa ngành trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng, BĐS, du lịch, truyền thông giải trí, khách sạn, giao thông vận tải... Hankyu Hanshin Holdings đang dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển đường sắt ở khu vực Kansai, Nhật Bản.

Giá trị tài sản của Hankyu trong lĩnh vực BĐS là 1.000 tỷ yên với 1,7 triệu m2 diện tích cho thuê văn phòng, thương mại, khách sạn, resort, nhà hát và khoảng 18.000 sản phẩm BĐS nhà ở mang thương hiệu Geo và HAPIA.

Trong khi Nishi-Nippon Railroad là công ty có lịch sử hơn 100 năm hoạt động tại khu vực Fukuoka, Nhật Bản với hơn 80 công ty thành viên trong lĩnh vực giao thông, logistic, phân phối, dịch vụ, khách sạn, BĐS.

Tập đoàn này hiện đang sở hữu 17 khách sạn, resort, 14 cao ốc văn phòng, 9 trung tâm thương mại, và khoảng 6.000 căn hộ với thương hiệu SUNRIANT cùng 12.435 sản phẩm biệt thự và đất nền biệt thự (doanh thu BĐS năm 2013 của Tập đoàn vào khoảng 60 tỷ yên).

Nhận định về xu hướng M&A trong vài năm trở lại đây, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Bộ phận Đầu tư Công ty Savills Việt Nam, cho rằng, cùng với các tài sản đang tạo ra dòng tiền ổn định như cao ốc văn phòng, khách sạn và các trung tâm thương mại (hoạt động chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang), NĐT ngoại cũng đang tìm kiếm BĐS nhà ở, do phân khúc này đã bắt đầu phát triển theo hướng tích cực từ quý II/2014.

Về quy mô, các thương vụ đầu tư vào tài sản đang hoạt động cũng như các dự án phát triển BĐS nhà ở đều có giá trị lớn. Đối với NĐT nước ngoài, mua bán, chuyển nhượng cổ phần trong các công ty thực hiện dự án đang trở thành xu hướng hơn việc nhận chuyển nhượng dự án.

Khối nội không khoanh tay

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) nhìn nhận, từ 2013, không chỉ DN ngoại mà nhà phát triển dự án trong nước cũng bắt đầu trỗi dậy để thực hiện các thương vụ M&A dự án lẫn công ty.

Tại lễ tổng kết hoạt động của HoREA hồi tháng 1/2015, ông Nguyễn Trung Tín, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS An Gia (Công ty An Gia), cho biết, năm 2015, Công ty sẽ đưa ra thị trường một dự án căn hộ ở Q.7.

Theo đó, năm 2014, An Gia đã đầu tư vào 3 dự án gồm La Casa - giai đoạn 2 (Q.7), Angia Garden (Q.Tân Phú) và Angia Stra (Q.Bình Tân) với tổng số vốn hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, dự án La Casa, An Gia nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ Công ty CP BĐS Vạn Phát Hưng, với tổng giá trị chuyển nhượng hơn 73,4 tỷ đồng.

Một DN "mới nổi" khác trong những năm gần đây là Hưng Thịnh Corp. cũng cho thấy khả năng tìm kiếm những cơ hội đầu tư từ các thương vụ M&A, góp vốn cùng phát triển dự án.

Sau khu phức hợp văn phòng - nhà ở Sky Center ở Q.Tân Bình và sắp tới là Melody Residences (Q.Tân Phú), gần đây, giới đầu tư tại TP.HCM đang râm ran thông tin Hưng Thịnh Corp. sẽ lấn sang khu Nam Sài Gòn, phát triển dự án nhà ở mua lại từ đối tác. Tuy nhiên, phía Công ty chưa đưa ra bình luận gì về "thông tin hành lang" này.

Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong năm 2014 đã thực hiện hàng loạt thương vụ mua bán, chuyển nhượng cổ phần để mở rộng quỹ đất, như nhận chuyển nhượng 94% cổ phần CTCP Dịch vụ Logistics Siêu Tốc; mua lại 70% cổ phần của CTCP Bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương, qua đó là làm chủ chuỗi siêu thị OceanMart (hiện nay mang thương hiệu Vinmart).

Theo đánh giá của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, năm 2014 - 2015 là bước đột phá của cá thương vụ M&A thuộc lĩnh vực BĐS. Ông Châu phân tích, trong tổng số 1.403 dự án nhà ở trên địa bàn TP.HCM hiện nay, có đến 689 dự án (chiếm 49%) phải ngưng triển khai, 85 dự án bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư, M&A sẽ góp phần giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu, gỡ khó cho DN và cung ứng sản phẩm phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính của người tiêu dùng và nhà đầu tư thứ cấp.

Đại diện HoREA cũng đề cập, từ ngày 1/7/2015, nhiều luật, quy định liên quan đến đầu tư, kinh doanh BĐS có hiệu lực, sẽ tạo hành lang pháp lý theo hướng thông thoáng, minh bạch cho thị trường BĐS phát triển.

Chẳng hạn, việc cho phép chuyển nhượng dự án tự do nếu có quỹ đất sạch sẽ là cơ hội cho những NĐT lớn cả trong nước và nước ngoài tham gia. Song, năm 2015, sự chuyển nhượng không chỉ diễn ra ở những dự án bị "trùm mền" mà còn do chiến lược của DN trong vấn đề phát triển dự án, hoặc cơ cấu lại hoạt động.

HẢI ÂU http://www.doanhnhansaigon.vn/

| Chia sẻ |
THẢO LUẬN  
Chưa có thảo luận nào
Ý KIẾN CỦA BẠN  
  Hãy đăng nhập để thảo luận

Tin cùng loại cũ hơn